“15.000 đồng/bữa ăn là quá thấp, không còn phù hợp, không đảm bảo dinh dưỡng cho công nhân. Cần phải nâng lên 20.000-25.000 đồng”, ông Nguyễn Quốc Đang – một chủ tịch công đoàn ở quận 7 (TPHCM) nói.
15.000 đồng/bữa ăn là quá thấp
Theo dự thảo báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 7c/NQ-BCH ngày 25/2/2016, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết hầu hết các doanh nghiệp đã thực hiện giá trị bữa ăn ca bằng hoặc cao hơn mức 15.000 đồng/bữa. Tuy vậy, không ít doanh nghiệp vẫn duy trì bữa ăn dưới 15.000 đồng/bữa và hàng triệu người lao động chưa được hỗ trợ bữa ăn ca.
Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp cho rằng cần nâng cao mức tiền ăn tối thiểu để phù hợp với thực tế. Các doanh nghiệp cần tập trung hơn nữa để bữa cơm của công nhân đảm bảo no, an toàn và giàu dinh dưỡng hơn.
“Mức giá 15.000 đồng đã triển khai 5 năm rồi, nay giá thực phẩm đã tăng cao hơn rất nhiều. Nếu cứ giữ mức giá này công nhân, người lao động sẽ thiệt thòi. Với mức giá này, công nhân chỉ ăn được vài món, ăn đi ăn lại đến phát ngán nhưng họ đói nên phải ăn để lấy sức làm việc. Tôi đề xuất nâng mức tối thiểu lên 20.000 đồng-25.000 đồng đối với từng khu vực”, ông Nguyễn Quốc Đang – Chủ tịch Công đoàn một doanh nghiệp ở quận 7, chia sẻ.
Doanh nghiệp nơi ông Đang đang làm việc có khoảng 1.300 công nhân. Trung bình mỗi bữa ăn của người lao động khoảng 18.000 đồng/bữa trưa và 19.000/bữa tối. Tuy vậy, người lao động vẫn chưa thực sự hài lòng về bữa ăn công ty đang triển khai.
“Giờ người lao động không chỉ ăn no mà còn phải ăn đủ chất, 15.000 đồng hay 17.000 đồng thì làm sao đủ chất. Thiết nghĩ cần phải có quy định để nâng tiền ăn tối thiếu bữa lên để người lao động được chăm sóc tốt hơn. Doanh nghiệp chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng một phần doanh thu nhưng họ đổi lại là hiệu quả trong công việc của công nhân, người lao động”, ông Đang phân tích thêm.
Ông Nguyễn Quốc An – Giám đốc công ty ANS ở quận 12 – nhận định: “15.000 đồng/bữa ăn là quá thấp nhưng có quy định nên các doanh nghiệp cứ bám vào đây để triển khai thì công nhân sẽ thua thiệt. Cần phải tăng lên 20.000 đồng hoặc cao hơn nữa, kèm theo điều kiện trượt giá theo từng năm. Thời buổi này không chăm công nhân kỹ họ sẽ bỏ đi, lúc này doanh nghiệp sẽ phải chịu tổn thất. Chúng tôi chấp nhận giảm bớt lợi nhuận để tăng tiền ăn cho công nhân”.
Không dám mơ bữa ăn đủ chất
Là công nhân may ở TPHCM đã 12 năm, chị Nguyễn Thế Thùy Dương (38 tuổi, quê Vĩnh Long) đã chuyển việc 4 lần. Một lần chuyển việc do xa nhà, 3 lần chuyển việc do bất bình về chất lượng các bữa ăn.
“Tôi là con nhà nghèo, lên TPHCM mưu sinh nên chẳng dám mơ ăn ngon, ăn đủ chất dinh dưỡng. Tôi chỉ muốn ăn uống no, hợp vệ sinh là mãn nguyện rồi. Tuy vậy, không phải công ty nào cũng quan tâm đến việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”, chị Dương tâm sự.
Chị Dương cho rằng, nhiều doanh nghiệp đã thay đổi bữa ăn cho công nhân hơn lúc chị mới lên TP rất nhiều. Tuy vậy, không ít công nhân vẫn phải ấm ức vì bữa ăn chỉ “lèo tèo ít rau và vài miếng thịt mỏng như tờ giấy”. Thậm chí, tình trạng đồ ăn có “dị vật” hay ôi thiu vẫn xuất hiện trong bữa ăn của công nhân.
“Phải làm công nhân mới hiểu hết được bữa ăn ở trên công ty quan trọng thế nào. Có thể giảm một chút lương để thêm thức ăn chúng tôi cũng đồng ý. Tuy vậy, nếu công ty không giảm lương mà nâng cao chất lượng bữa ăn, chúng tôi cảm ơn rất nhiều”, anh Thanh Tùng, công nhân ở quận Bình Tân chia sẻ.
Theo anh Tùng, nhiều nam công nhân sau bữa cơm ở công ty vẫn phải ra ngoài ăn thêm vì không đủ no. Nhiều người nấu cơm ở nhà mang đi để tiết kiệm, có trường hợp mua bánh mì, bánh ngọt để sẵn.
“Mình phải ăn 4 chén mới no được nhưng cơm ở công ty chỉ được hơn một chén, ăn không đủ no. Nhiều chị em phụ nữ lại dư cơm nên san sẻ cho anh em. Nếu ăn không no thì ra ngoài mua bánh mì, bánh bao hoặc mì tôm ăn rồi tranh thủ vô công ty nghỉ ngơi trước khi làm việc. Công nhân mà được ăn no, ăn sạch là mừng rồi”, anh Tùng thông tin thêm.
Nguồn: dantri.com.vn