Dòng vốn đầu tư và kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản liên tục tăng thời gian qua
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến cuối tháng 10-2021, Nhật Bản đứng thứ 2 trong số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp (FDI) tại Việt Nam với 4.765 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 63,94 tỉ USD. Quy mô dự án bình quân của Nhật Bản là 13,4 triệu USD/dự án, cao hơn mức bình quân chung của cả nước là 11,7 triệu USD/dự án.
Dòng vốn liên tục tăng
Trong dòng vồn FDI mà Nhật đầu tư vào Việt Nam, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được “rót” vốn nhiều nhất với trên 1.800 dự án đang có hiệu lực, tổng vốn của ngành khoảng trên 39,4 tỉ USD. Tiếp đó là hoạt động kinh doanh bất động sản với trên 6,8 tỉ USD; sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa trên 6 tỉ USD… Hiện nay, Thanh Hóa là địa phương có tổng vốn đầu tư của Nhật Bản lớn nhất với trên 12,5 tỉ USD. Tại Hà Nội, Nhật Bản đầu tư vào hơn 1.300 dự án, với tổng số vốn trên 10 tỉ USD. TP HCM cũng thu hút được trên 4,6 tỉ USD nguồn vốn đầu tư từ Nhật Bản với hơn 1.400 dự án đang có hiệu lực. Các doanh nghiệp Nhật Bản hiện đã đầu tư vào 56 tỉnh, thành tại Việt Nam.
Tập đoàn AEON là một trong nhiều doanh nghiệp Nhật đầu tư thành công tại
Việt Nam trong 10 năm qua và vẫn tiếp tục mở rộng .Ảnh: TẤN THẠNH
Những năm gần đây, ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ôtô, môtô, xe máy cũng được các nhà đầu tư Nhật Bản đặc biệt quan tâm khi có trên 665 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư trên 1,6 tỉ USD. Đáng chú ý là Tập đoàn AEON của Nhật Bản đã đầu tư xây dựng nhiều trung tâm thương mại AEON Mall có quy mô lớn ở Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng…
Cụ thể, sau hơn 10 năm hoạt động tại Việt Nam, Tập đoàn AEON đã phát triển vững mạnh với hệ sinh thái gồm 8 công ty thành viên, hoạt động chủ yếu trong 5 lĩnh vực kinh doanh bán lẻ, gồm: trung tâm mua sắm, trung tâm bách hóa tổng hợp & siêu thị, các chuỗi cửa hàng chuyên doanh, siêu thị vừa và nhỏ, thương mại điện tử với các thương hiệu AEON MALL Việt Nam, AEON Delight Việt Nam, ACS Việt Nam, AEON TOPVALU Việt Nam, Ministop Việt Nam, AEON Fantasy Việt Nam, AEON Citimart. Tính đến tháng 11-2021, tập đoàn này đã đầu tư phát triển và kinh doanh tổng cộng 6 trung tâm mua sắm và trung tâm bách hóa tổng hợp & siêu thị tại TP HCM, Bình Dương, Hà Nội, Hải Phòng; 44 cửa hàng chuyên doanh; 23 siêu thị vừa và nhỏ; 121 cửa hàng tiện lợi Ministop cùng 1 trang thương mại điện tử AEON Eshop, 1 trung tâm phân phối AEON khu vực phía Nam tại tỉnh Bình Dương. Hiện tập đoàn này đang có kế hoạch mở rộng đầu tư vào các tỉnh Đồng Nai, Bắc Ninh… Ông Furusawa Yasuyuki, Tổng Giám đốc Công ty AEON Việt Nam, cho biết thời gian tới, tập đoàn sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến lược chuyển đổi số và tăng tốc mở rộng hệ thống kinh doanh trên toàn quốc, trong đó tập trung vào lĩnh vực cửa hàng chuyên doanh, siêu thị vừa & nhỏ AEON MaxValu và thương mại điện tử. Ngoài ra, sẽ chú trọng phát triển các sản phẩm Nhãn hàng riêng của AEON như: TOPVALU, HÓME CÓORDY, innerCasual.
Một tập đoàn bán lẻ sừng sỏ trong lĩnh vực thời trang của Nhật là Fast Retailing Group cũng đã chính thức xác lập sự hiện hữu tại Việt Nam thông qua chuỗi cửa hàng UniQlo. Chưa đầy 2 năm kể từ khi cửa hàng đầu tiên khai trương đi vào hoạt động (tháng 12-2019), mặc cho kinh tế nói chung và thị trường bán lẻ gặp nhiều sóng gió qua 4 đợt dịch Covid-19 bùng phát, UniQlo đã có 9 cửa hàng quy mô lớn tại những vị trí đắc địa tại TP HCM, Hà Nội. Trong đó, năm 2021 dù đợt dịch gây tác động nặng nề nhưng nhà bán lẻ Nhật Bản vẫn đưa thêm 3 cửa hàng UniQlo vào hoạt động; đồng thời tăng cường bán hàng online nhằm thích ứng với giai đoạn bình thường mới. Chia sẻ với báo giới, ông Tadashi Yanai, Chủ tịch kiêm CEO của Fast Retailing Group, xác định Việt Nam là thị trường tiềm năng nhất, cũng là cơ sở sản xuất quan trọng hàng đầu của hãng. Giám đốc UniQlo Việt Nam Osamu Ikezoe thì cho biết thương hiệu này sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh thông qua việc khai trương cửa hàng mới theo hình thức và quy mô mới, nhằm phủ rộng hơn nữa các nhóm đối tượng khách hàng và khu vực dân cư, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.
Bước phát triển vượt bậc
Ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, đánh giá hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước đã có bước phát triển vượt bậc. Theo ông Nakajima Takeo, Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai với khoảng gần 4.700 dự án có tổng vốn đăng ký hơn 63 tỉ USD, đồng thời là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam với tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2020 đạt 40 tỉ USD. Năm 2020-2021, dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng ông Nakajima Takeo nhấn mạnh dòng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục chảy vào Việt Nam. Năm 2021, chỉ tính riêng 2 dự án đầu tư của Nhật Bản tại Cần Thơ và Vĩnh Phúc đã có tổng vốn đầu tư hơn 1,9 tỉ USD.
Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Phú Bình đánh giá Nhật Bản là một trong những đối tác lớn nhất của Việt Nam. Theo ông Bình, kể từ năm 1992, khi Nhật Bản nối lại viện trợ (ODA) cho Việt Nam đến nay, mối quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển cao hơn, là mối quan hệ tin cậy và hiệu quả. Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất (tính đến cuối năm 2019, Nhật Bản viện trợ cho Việt Nam là 2.578 tỉ yen, tương đương 23,76 tỉ USD, chiếm đến gần 25% tổng số ODA mà quốc tế dành cho Việt Nam).
Ông Nguyễn Phú Bình nhắc đến việc Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai của Việt Nam. Nhật Bản cũng là đối tác du lịch lớn thứ ba (lượng khách trao đổi 2 chiều giữa Nhật Bản và Việt Nam đạt cao nhất từ trước tới nay với hơn 1,4 triệu lượt khách, lên đến đỉnh cao năm 2019). Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam. Năm 2020, hai bên đã đạt kim ngạch 40 tỉ USD. Trong 9 tháng của năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản đạt 31 tỉ USD, tăng so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 14,7 tỉ USD và nhập khẩu đạt 16,3 tỉ USD.
Theo ông Bình, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá tình hình chính trị của Việt Nam ổn định, quan hệ hai bên tin cậy chính là điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục đầu tư tại Việt Nam. Tuy còn là nước đang phát triển nhưng Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, tham gia nhiều Hiệp định kinh tế và thương mại tự do, nằm ở trung tâm Đông Nam Á, lại có bờ biển dài nên rất thuận lợi cho các hoạt động đầu tư và thương mại với Nhật Bản.
Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản cho rằng về mặt kinh tế, hai nước có nhiều nhân tố bổ sung cho nhau. Theo đó, là một nước phát triển cao, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, Nhật Bản có tiềm năng lớn về vốn, công nghệ và kinh nghiệm phát triển, rất cần cho công cuộc phát triển của Việt Nam, trong khi Việt Nam với dân số gần 100 triệu người, là nguồn nhân lực trẻ, thiết yếu, bù đắp cho sự thiếu hụt lao động của Nhật Bản, cũng là thị trường đáng kể ở Đông Nam Á. Mặt khác, với tài nguyên thiên nhiên phong phú, khí hậu nhiệt đới, Việt Nam là nguồn cung cấp dồi dào nguyên vật liệu và lương thực, thực phẩm cho Nhật Bản; vị trí địa lý và bờ biển dài của Việt Nam giúp cho giao thương và vận tải với Nhật Bản được dễ dàng. “Cùng với những điều kiện tự nhiên đó, việc Việt Nam tham gia hàng chục hiệp định kinh tế và thương mại tự do song phương và đa phương càng tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác và kết nối kinh tế giữa hai nước” – ông Bình nhấn mạnh.
Một số dự án vài tỉ USD
Một số dự án tiêu biểu của Nhật Bản vào Việt Nam như dự án Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư năm 2008, đây là dự án liên doanh giữa nhà đầu tư Nhật Bản với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với vốn đăng ký 9 tỉ USD tại tỉnh Thanh Hóa. Bên cạnh đó là dự án Thành phố thông minh được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư năm 2018, là dự án liên doanh giữa nhà đầu tư Nhật Bản với Công ty CP Tập đoàn BRG vào Hà Nội, với số vốn đăng ký đạt 4,13 tỉ USD. Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư năm 2017. Dự án 100% vốn Nhật Bản, vốn đầu tư đăng ký đạt 2,79 tỉ USD…
Theo Người Lao Động