TTO – Dù dịch COVID-19 vẫn phức tạp nhưng doanh thu của nhiều ngành hàng đã tăng trở lại được ví von như người vừa khỏi bệnh nhờ nỗ lực tập luyện nên da dẻ hồng hào.
Không chỉ sản xuất mà cả xuất khẩu, tiêu thụ nội địa cũng có niềm vui phục hồi rõ nét. Để có nhiều kết quả tốt hơn nữa, các doanh nghiệp (DN) cũng đưa nhiều kiến nghị để phục hồi nhanh và bền vững hơn. Ghi nhận ở một số DN điển hình.
Năng lực sản xuất tốt mùa dịch
Thời điểm này, nhà máy của Công ty TNHH điện tử DLG Ansen (Khu công nghệ cao TP.HCM) đã hoạt động trở lại bình thường, số công nhân quay lại nhà máy đạt tỉ lệ cao. Bên trong nhà máy, các công nhân miệt mài sản xuất thiết bị điện tử với khoảng cách làm việc bảo đảm giãn cách để phòng dịch.
Ông Đặng Công Bình – giám đốc công ty – cho biết do DN tuyển lao động ở TP.HCM và khu vực lân cận nên khi sản xuất trở lại, công nhân bắt tay ngay vào làm việc ổn định. Đang sản xuất đơn hàng cho đối tác ở Mỹ, châu Âu ngay trong mùa dịch nên có thêm khách đặt hàng, đủ đơn hàng cho cả năm sau.
Để có được nhiều đơn hàng tốt, công ty phải chứng minh năng lực, sức chịu đựng của DN trước dịch khi thời gian qua đã “3 tại chỗ”, thậm chí phải thực hiện những cuộc livestream để cho khách hàng bên Mỹ, châu Âu “mục sở thị” cảnh công nhân đang nỗ lực sản xuất ra sao trong thời điểm dịch. Do đó, khách hàng đã tin tưởng để tiếp tục tái đặt hàng những đơn hàng năm mới. Hiện công nhân cũng luân phiên tăng ca để đảm bảo tiến độ sản xuất, tiến độ đơn hàng dịp cuối năm.
Đại diện chi hội DN Khu công nghệ cao TP cho biết thời điểm hiện nay, nhiều DN đã phục hồi tốt khi tăng tuyển dụng lao động, nâng công suất sản xuất, đảm bảo phục hồi công suất 100% so với thời điểm trước dịch.
Trong khi đó, với lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, ông Nguyễn Đặng Hiến – tổng giám đốc Công ty Bidrico (Khu công nghiệp Vĩnh Lộc) – cho biết tuy còn khó khăn về nguyên liệu và đầu ra sản phẩm, song DN đã nỗ lực tái sản xuất, đến nay việc sản xuất tại nhà xưởng đã ổn định trở lại. Theo ông Hiến, việc sản xuất thời điểm này phụ thuộc vào sự phục hồi của thị trường, nếu thị trường tiếp tục phục hồi tốt hơn, DN cũng sẽ tăng cường sản xuất, cung ứng các sản phẩm ra thị trường nhiều thêm.
Tương tự, tại một nhà xưởng sản xuất hàng xuất khẩu ở quận 12, gần 300 công nhân đã quay trở lại sản xuất ổn định dù các đợt xét nghiệm định kỳ vẫn phát hiện F0. Theo đại diện DN, thường các F0 sẽ điều trị tại nhà, phục hồi sau 7 – 10 ngày điều trị nên tâm lý người lao động ổn định, năng suất lao động cũng duy trì cao. Hiện nay, DN này đã sản xuất các đơn hàng cho năm 2022 và lượng đơn hàng cho năm sau đã kéo dài đến giữa năm nên DN yên tâm về khối lượng công việc trong thời gian tới.
Chăm chút thị trường trong nước, doanh số tăng 50%
Ông Phan Minh Thông – tổng giám đốc Công ty Phúc Sinh, công ty có kinh nghiệm 20 năm xuất khẩu hàng đầu về hồ tiêu, cà phê và nhiều loại nông sản khác – cho biết dù năm 2021 tiếp tục chịu tác động của COVID-19 tới nền kinh tế nhưng doanh thu và lợi nhuận của Phúc Sinh tại thị trường nội địa tiếp tục có sự tăng trưởng ấn tượng. Theo đó, doanh số các sản phẩm bán trong nước năm 2021 ước tính tăng 50% so với năm 2020 lên mức 100 tỉ đồng và đã có lãi. Mảng xuất khẩu cũng có sự tăng trưởng ấn tượng khi doanh số cao hơn so với các năm 2019 và 2020.
Để có thành công trong gian khó này, theo ông Thông, là nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước bằng sản phẩm chất lượng cao, thiết kế đẹp mắt và kênh bán hàng tiện lợi với người tiêu dùng. Sau 20 năm đem “hàng ngon” xuất khẩu, khách nước ngoài đến Việt Nam thắc mắc không tìm thấy nông sản ngon như hàng họ mua về, Phúc Sinh quyết định đưa hàng chất lượng cao nhất về thị trường nội địa bằng cách phát triển sản phẩm theo tiêu chuẩn cao nhất thế giới, sang trọng và bắt mắt.
Tiếp theo là việc lựa chọn kênh phân phối, trong đó đầu tư mạnh vào bán hàng qua kênh thương mại điện tử. Dù mới thâm nhập thị trường nội địa 3 năm qua nhưng doanh số và phản hồi của khách hàng rất tích cực. Không chỉ khách hàng mua lẻ về tiêu dùng ngày một tăng mà những nhà sản xuất phân phối trong nước cũng biết nhiều đến Phúc Sinh để mua sỉ, mua nguyên liệu về chế biến hàng của họ.
Trong ảnh: hoạt động của một doanh nghiệp tại quận 12 – Ảnh: N.HIỂN
Có F0 vẫn không đứt gãy sản xuất
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Lê Thị Giàu – chủ tịch HĐQT Công ty CP thực phẩm Bình Tây – cho biết thời gian qua DN này liên tục tăng trưởng về doanh số, doanh số bán hàng đã tăng 200 – 300% so với trước dịch. Hiện DN này cũng tăng công nhân với số lượng gấp đôi so với thời điểm “3 tại chỗ”. Theo bà Giàu, vấn đề các DN đang gặp phải hiện nay là quá trình phục hồi sản xuất sẽ có thêm các ca nhiễm COVID-19 trong người lao động. Tuy nhiên, khi có F0, DN sẽ chủ động phát thuốc điều trị, hỗ trợ thu nhập cho người lao động trong thời gian nghỉ để họ yên tâm.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thùy Vân – chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Long Rich – cho biết số công nhân quay trở lại nhà máy đạt 90% với gần 4.800 người. Dù công ty chuyên sản xuất giày da này đã nỗ lực để tái sản xuất song bà Vân cho hay hiện DN này vẫn còn gặp khó bởi số công nhân là F0 vẫn cao. Theo bà Vân, công nhân khi là F0 phải cách ly chữa trị 14 ngày ít nhiều ảnh hưởng đến sản xuất do đặc thù của DN sản xuất theo dây chuyền, những người ở vị trí quan trọng phải cách ly sẽ tác động đến cả dây chuyền.
Vì thế, DN đã hợp đồng với bệnh viện tại TP Thủ Đức nên khi phát hiện F0, bệnh viện sẽ đến đưa người lao động đi cách ly tập trung và chữa trị, trừ trường hợp công nhân có đủ điều kiện sẽ được cách ly tại nhà. Tương tự, đại diện một DN sản xuất ở Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) cho hay hiện nay công ty đã quay trở lại sản xuất bình thường, nếu có F0 DN sẽ tái thực hiện các quy trình truy vết, tầm soát F1 để ổn định sản xuất. Theo vị này, hiện DN phải nỗ lực để đảm bảo số lượng công nhân sản xuất các đơn hàng dịp cuối năm.
Trong khi đó, đại diện công ty Q. (quận 12) cho biết hiện nay mỗi lẫn xét nghiệm định kỳ, DN vẫn phát hiện F0 và đều phải xịt khuẩn nhà máy, xét nghiệm những người tiếp xúc gần và theo dõi những ngày sau đó, báo với y tế địa phương để đưa người nhiễm bệnh đi cách ly hoặc về cách ly tại gia đình. Tất cả biện pháp trên để nhanh chóng ổn định sản xuất khi mọi thứ đang trở lại.
Nguồn: tuổi trẻ