Việc mở cửa lại bay quốc tế và du lịch tại VN không thể chậm trễ thêm nữa, nếu không sẽ để lỡ cơ hội cạnh tranh điểm đến với các nước trong khu vực…
Mở cửa du lịch, nhưng đường bay quốc tế thương mại chưa mở, một số địa phương áp dụng phần mềm khai báo riêng, chưa có hướng dẫn cho du khách F0, F1… là những vấn đề được các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch phản ánh tại tọa đàm “Mở cửa du lịch, phục hồi kinh tế” do Báo Thanh Niên tổ chức sáng qua (7.12).
Được mở đón khách còn khổ hơn
Phát biểu khai mạc tọa đàm, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, cho biết thời điểm hiện nay vấn đề được Đảng, Nhà nước quan tâm nhất là phục hồi kinh tế. Với tầm quan trọng, du lịch là ngành được lên kế hoạch mở cửa sớm nhất, ngay từ trong những tháng ngày dịch bệnh diễn biến phức tạp nhất hồi tháng 7.
Từ ngày 10.9, Thủ tướng cơ bản đồng ý với đề xuất của Bộ VH-TT-DL về phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc. Đây được xem là nỗ lực lớn của ngành du lịch VN khi từng bước phục hồi thị trường khách quốc tế, đồng thời khẳng định là một trong những điểm đến an toàn, hấp dẫn trong khu vực Đông Nam Á. Thế nhưng, vì rất nhiều lý do, đến ngày 20.11 vừa qua, Phú Quốc mới đón đoàn khách quốc tế đầu tiên. Và cho đến thời điểm này, VN mới chỉ có 5 địa phương được đón khách quốc tế với số lượng rất hạn chế.
“Năm 2019, doanh thu từ du lịch chiếm gần 10% GDP của nước ta. Năm 2021, GDP của Thái Lan dự kiến tăng trưởng 1,2%, cao hơn nhiều so với các dự đoán trước đó nhờ mở cửa trở lại ngành du lịch. Việc mở cửa lại bay quốc tế và du lịch tại VN không thể chậm trễ thêm nữa, nếu không sẽ để lỡ cơ hội cạnh tranh điểm đến với các nước trong khu vực và ảnh hưởng tới chương trình phục hồi kinh tế mà Đảng và Nhà nước đang quyết liệt thực hiện bằng nhiều giải pháp”, Tổng biên tập Báo Thanh Niên nhấn mạnh.
Là một trong các doanh nghiệp (DN) du lịch hàng đầu, Sun Group thuộc nhóm đầu trong danh sách các DN tham gia thí điểm đón khách quốc tế tới Phú Quốc, chính thức triển khai từ 20.11. Thế nhưng, bà Trần Nguyện, Trưởng ban Kinh doanh Khối Sun World (Tập đoàn Sun Group), cho biết đến giờ này Sun Group vẫn chưa đón được một vị khách nào. Dù DN nóng lòng, sẵn sàng mở cửa ngay sau khi Chính phủ thí điểm đón khách quốc tế sử dụng hộ chiếu vắc xin, nhưng vẫn còn tồn tại rất nhiều yếu tố bất cập, cản trở, khiến công cuộc đón khách chưa thể nào hiệu quả được.
Đơn cử, việc cấp phép bay cho các thị trường quốc tế vẫn đang giới hạn. Đến Phú Quốc tháng 11 vừa qua mới có 1 đoàn khách từ Hàn Quốc, du lịch golf. Một số đoàn khách Nhật Bản, Hàn Quốc tới đây trong tháng 12 cũng là du lịch golf. Trong khi đó, Sun Group hướng đến đối tượng khách Nga, bởi nhu cầu của thị trường này khá phù hợp với các trải nghiệm, dịch vụ mà tập đoàn đang có tại Nam đảo nhưng thị trường Nga vẫn chưa được cấp phép bay đến Phú Quốc. Do đó, dù các cơ sở của Sun Group đã sẵn sàng thì cũng không thể đón khách.
Trong khi đó, các kế hoạch truyền thông quảng bá về du lịch VN tới các thị trường quốc tế trọng điểm như Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Âu, Nga, Úc… đến nay vẫn chưa thực sự được triển khai sâu rộng, để du khách quốc tế biết được các chính sách sandbox (tạm hiểu là hệ thống đón khách quốc tế khép kín – NV) của VN có gì khác với Thái Lan, Singapore? Hay các điểm đến VN hiện có những dịch vụ trải nghiệm gì mới so với trước? Chưa kể chính sách giá, kích cầu khi mở cửa trở lại chưa thống nhất, chưa có sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, nên vẫn mạnh ai nấy làm.
“Đặc biệt, đợt dịch thứ tư, cũng như tình hình các biến chủng mới như Omicron đang ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý của du khách. DN dù rất sẵn sàng nhưng cũng chưa thể mở cửa đồng loạt được, bởi lượng khách không thể đảm bảo chi phí vận hành”, bà Nguyện thông tin.
DN chưa được mở thì trông chờ từng ngày, DN được mở đón khách cũng khổ đủ đường. Là DN được “chọn mặt gửi vàng” đón tiếp đoàn khách đầu tiên “phá băng” du lịch Phú Quốc, Vinpearl đã sớm chủ động kết hợp cùng đối tác chiến lược tìm kiếm nguồn khách hộ chiếu vắc xin tại thị trường Hàn Quốc.
“Dù đón đoàn chỉ hơn 200 khách, nhưng chúng tôi mở cửa gần như toàn bộ hoạt động nghỉ dưỡng – vui chơi giải trí trong quần thể hơn 1.000 ha để đảm bảo phục vụ tốt nhất cho du khách, mang đến cho họ những kỳ nghỉ dưỡng 5 sao với chuỗi hoạt động hấp dẫn, thú vị và an toàn”, bà Nguyễn Thu Phương, Tổng giám đốc Vinpearl Luxury, cho hay.
Đây thật sự là thách thức không hề nhỏ về chi phí bởi siêu quần thể Phú Quốc United Center có hệ thống cơ sở lưu trú lên tới 7 khu nghỉ dưỡng 5 sao biệt lập cùng hàng trăm mini, boutique hotel… có công suất hơn 12.000 phòng khách sạn và biệt thự.
Cũng vì chi phí duy trì quá lớn, nên dù được đánh giá là một trong những sản phẩm giải trí về đêm hấp dẫn nhất của Phú Quốc United Center, nhưng Tổ hợp Chợ đêm Phú Quốc Grand World, Saigon SeaFood Hub Market và NightZone 68 của Công ty Ngôi sao biển Sài Gòn vẫn chưa thể mở lại cùng nhịp. Ông Huỳnh Văn Sơn, Tổng giám đốc Công ty Ngôi sao biển Sài Gòn, nhận định với số lượng 200 khách lọt thỏm như vậy, mở ra rồi gánh chi phí còn khốn khổ hơn.
“Chúng tôi khảo sát 500 tiểu thương ở Phú Quốc tại 2 khu chợ đêm, nhưng chỉ có khoảng 10% tiểu thương muốn mở lại. Mỗi ngày trôi qua là mỗi ngày chi phí đè nặng, bòn rút chút sức lực cuối cùng của DN. Chúng tôi tha thiết kỳ vọng cơ quan quản lý làm càng sớm càng tốt, mở cửa du lịch đúng nghĩa. Khó ở đâu, DN sẵn sàng đồng hành gỡ tới đó. Mở cửa, hoặc là chết”, “ông trùm” chợ đêm nhấn mạnh.
Một đoàn khách quốc tế đến Việt Nam và tham quan phố cổ Hội An theo dạng hộ chiếu vắc xin
Nguồn: thanh niên