Ngày 10/12, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo ATGT trên địa bàn TP giai đoạn 2021 – 2025. Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Trần Hữu Bảo về Chương trình này.
– Hà Nội đã hoàn thành Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo ATGT trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020. Từ năm 2016 đến nay, TP đã xử lý được 67 điểm “đen” UTGT; tai nạn giao thông bình quân mỗi năm giảm 135 vụ (giảm 9,5%), số người chết giảm 32 người (giảm 5,9%), số người bị thương giảm 153 người (giảm 14%).Đó là với những kết quả hết sức quan trọng, là tiền để để tiếp tục triển khai Chương trình trong giai đoạn 2021 – 2025, nhằm từng bước đẩy lui ùn tắc, đảm bảo trật tự, ATGT trên địa bàn Thủ đô.Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn không ít hạn chế như: Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chưa đạt yêu cầu đề ra. Nhiều dự án giao thông, khớp nối hạ tầng còn chậm triển khai do thiếu vốn; vướng mắc giải phóng mặt bằng… Phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh, tỷ lệ đất dành cho giao thông, tỷ trọng vận tải hành khách công cộng còn thấp; việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác tổ chức, quản lý, điều hành, giám sát giao thông còn chậm và thiếu đồng bộ.
Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự ATGT có lúc, có nơi còn chưa thường xuyên, kiên quyết. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông hiệu quả chưa cao, ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của một bộ phận người tham gia giao thông và DN vận tải còn hạn chế.
Giai đoạn 2021 – 2025 sắp tới, Hà Nội đặt mục tiêu như thế nào cho giao thông, thưa ông?
– Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định tình trạng UTGT và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP là một trong những tồn tại, cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. Vừa qua, HĐND TP cũng đã nhất trí thông qua Nghị quyết về Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo ATGT trên địa bàn TP giai đoạn 2021 – 2025. Phấn đáu mỗi năm xử lý từ 7 – 10 điểm “đen” UTGT, hạn chế phát sinh các điểm mới; không để xảy ra các điểm UTGT kéo dài trên 30 phút; giảm tai nạn giao thông hàng năm từ 5 – 10% trên cả ba tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương).
Giai đoạn 2021 – 2025, Hà Nội sẽ tập trung triển khai đồng bộ 10 nhóm nhiệm vụ và giải pháp để giảm ùn tắc, tai nạn giao thông. Trong đó, việc đầu tiên là nâng cao nhận thức và trách nhiệm của hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu chính quyền các cấp, các đơn vị chức năng trong thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự ATGT, giải quyết UTGT. Thứ hai là TP cũng sẽ nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách, hoàn thiện hơn nữa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực GTVT. Thứ ba là rà soát, xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải TP Hà Nội.
Thứ bảy là Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với công tác đào tạo, sát hạch cấp, đổi giấy phép lái xe, công tác đăng ký, đăng kiểm xe cơ giới, nâng cao chất lượng phương tiện và người lái xe cơ giới. Thứ tám là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành GTVT, từng bước xây dựng hệ thống giao thông thông minh. Thứ chín là tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông, nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông, từng bước xây dựng văn hóa giao thông văn minh. Thứ mười là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kiên quyết và có hiệu quả các vi phạm trong lĩnh vực GTVT.Về đầu tư phát triển hạ tầng, giảm thiểu phương tiện cá nhân, TP đã có định hướng như thế nào trong thời gian tới ?
– Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định: “Tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, TP trong vùng Thủ đô” là một trong ba khâu đột phá. Với tinh thần đó, HĐND TP cũng đã ban hành Nghị quyết số 21 về kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 – 2025 của TP, trong đó có xác định phân kỳ đầu tư và ưu tiên trước nguồn lực cho 252 dự án. Nhóm được ưu tiên đầu tư gồm: Công trình chuyển tiếp giai đoạn 2016 – 2020; Công trình sử dụng nguồn vốn T.Ư hỗ trợ; Công trình khép kín hệ thống đường vành đai, hướng tâm, trục chính đô thị; cầu vượt sông hồng, sông Đuống; công trình đục thông kết nối các đoạn tuyến đường; các nút giao thông trọng điểm…
Các Đề án nhằm hạn chế xe cá nhân sẽ tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện, lấy ý kiến của các đơn vị liên quan và Nhân dân. Và quan trọng nhất là mỗi Đề án chỉ thực hiện khi đáp ứng được các điều kiện về kinh tế, kỹ thuật; đồng thời được đại đa số người dân Thủ đô đồng tình ủng hộ.
Nguồn: kinhtedothi.vn