Tại dự án SME Trà Vinh, các nghiên cứu khảo sát lồng ghép giới đạt trên 30%; hội thảo, tập huấn, sự kiện có tỷ lệ phụ nữ tham gia trung bình là 32%.
Kế hoạch hành động về bình đẳng giới – dân tộc của Dự án SME Trà Vinh đặt mục tiêu, nâng cao năng lực về giới của các đối tác hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như các cán bộ dự án. Mặt khác là cải thiện khả năng tiếp cận các nguồn lực phát triển của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp do nữ và người dân tộc.
Qua đây, Dự án SME Trà Vinh cũng muốn mở rộng mạng lưới kết nối doanh nghiệp do nữ làm chủ; tăng cường sự tham gia và tiếng nói của chủ doanh nghiệp là nữ và người dân tộc trong quá trình xây dựng và thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; đảm bảo các chính sách, quy trình, thủ tục liên quan đến phát triển doanh nghiệp do tỉnh ban hành có nhạy cảm về giới.
Ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ
Tính từ lúc triển khai dự án vào năm 2014 đến nay, số lượng nữ hưởng lợi từ các hoạt động dự án là 23.765 người (chiếm 35,1%). Số lượng doanh nghiệp nữ hưởng lợi từ các hoạt động của dự án là 7.529 người (chiếm 32,9%), thông qua các hỗ trợ tài chính, dịch vụ phát triển kinh doanh, liên kết trong chuỗi giá trị, xúc tiến thương mại, các hoạt động nâng cao năng lực, đối thoại chính sách, phát triển cơ sở hạ tầng và hoạt động truyền thông.
Một trong những hoạt động nổi bật của dự án là gói hỗ trợ tài chính qua chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đối với hoạt động này, dự án có các tiêu chí đánh giá quan tâm và ưu tiên cho phụ nữ, người dân tộc (tiêu chí về phát triển cộng đồng và môi trường, điểm cộng cho các doanh nghiệp do nữ làm chủ khi tham gia chương trình hỗ trợ).
Tính đến nay, dự án đã tiếp nhận 54 hồ sơ đề xuất của 50 doanh nghiệp, cơ sở tham gia chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó, có 20 doanh nghiệp nữ.