(KTSG) – Dịch Covid-19 đã bào mòn sức lực của doanh nghiệp và tàn phá nghiêm trọng kinh tế của các địa phương, nhưng đây cũng là cơ hội cho mỗi doanh nghiệp nhìn lại mình để thay đổi, và với lãnh đạo các tỉnh, thành phố thì đó là cơ hội để chứng tỏ với doanh nghiệp rằng những cam kết “hỗ trợ”, “tạo mọi điều kiện thuận lợi” cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh trước đây không chỉ là lời hứa suông.
Trước đây, hàng năm hầu như tỉnh, thành phố nào cũng tổ chức đối thoại với doanh nghiệp mà ở đó không lãnh đạo địa phương nào không đưa ra cam kết như sẽ hỗ trợ, sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh kèm theo những chỉ đạo yêu cầu cấp dưới phải giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp. Nhưng liệu có mấy ai kiểm tra xem những cam kết, chỉ đạo đó có vượt được qua bốn bức tường của phòng họp hay không, hay chỉ có giá trị như những câu chào hỏi xã giao.
Với doanh nghiệp, điều họ mong mỏi nhất là làm sao để mọi luật lệ, cơ chế, chính sách được thực hiện đầy đủ và thông suốt; địa phương không suy diễn luật lệ bất lợi cho doanh nghiệp cũng như không tự ý đưa ra các quy định áp dụng luật riêng để gây thêm khó khăn cho họ.
Ngay lúc này, khi Việt Nam đã chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn với Covid-19 để phát triển kinh tế chính là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp kiểm chứng lại những lời hứa trước đây của lãnh đạo các địa phương, đồng thời cũng là cơ hội để các tỉnh, thành phố “lấy điểm” với doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư tiềm năng.
Long An và Bình Dương, hai trong bốn địa phương có số ca nhiễm Covid-19 nhiều nhất nước, có thể nói là những địa phương đang có những hành động hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thích ứng an toàn với dịch đúng nghĩa.
Từ ngày 27-10, Long An đã cho phép các lĩnh vực được nhiều địa phương cho là nhạy cảm với dịch như quán bar, karaoke, dịch vụ spa, massage, vũ trường… được hoạt động trở lại. Riêng các doanh nghiệp thì đã được trao quyền chủ động trong công tác phòng chống dịch ngay từ ngày 1-10. Trước đó, tỉnh Bình Dương cũng đã cho mở lại các dịch vụ kể trên ở những địa bàn cấp độ dịch 1, 2 và 3.
Cần biết rằng, Bình Dương hiện vẫn là địa phương có số ca F0 hàng ngày đứng thứ 2 hoặc thứ 3 cả nước; còn Long An số F0 tuy chỉ có 2 con số, nhưng lại là “hàng xóm” của hai vùng dịch lớn nhất nước. Trong khi đó, rất nhiều tỉnh thành khác dù đã được xếp vào “vùng xanh – bình thường mới”, thậm chí có nơi độ phủ vaccine cao không kém gì Long An, Bình Dương, nhưng nhiều hoạt động kinh doanh vẫn còn bị siết.
Đương nhiên, địa phương không được lơ là phòng dịch, nhưng phong tỏa, cấm đoán thì cũng không thể gọi là “thích ứng an toàn” được và đó cũng không phải tinh thần của Nghị quyết 128.
Trong giai đoạn khó khăn này, địa phương nào chứng tỏ được là người bạn đồng hành thực sự và đáng tin cậy của doanh nghiệp, chứ không phải chỉ là mối quan hệ giữa người quản lý và người bị quản lý, thì sẽ có giá trị gấp hàng trăm lần so với những lời hứa trong hội nghị.
Nguồn: thesaigontimes.vn