Doanh nghiệp Nga đầu tư vào Việt Nam là viên gạch quý trong quan hệ Việt – Nga

Chủ tịch nước nhấn mạnh, những doanh nghiệp Nga đầu tư vào Việt Nam không chỉ là nhà đầu tư quốc tế mà còn là người bạn thân tình, là viên gạch quý đóng góp vào tình hữu nghị truyền thống hai nước.

Chiều 1/12 giờ địa phương, tại thủ đô Moscow, Liên bang Nga diễn ra Diễn đàn Doanh nghiệp Việt – Nga với sự tham dự của khoảng 100 doanh nghiệp Việt Nam và Liên bang Nga.

Diễn đàn là dịp để các doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu tới các doanh nghiệp, các nhà phân phối, khách hàng tại Liên bang Nga về các sản phẩm, dự án. Đây cũng là cơ hội tốt đối với các nhà xuất khẩu của Nga, các nhà đầu tư Nga biết đến Việt Nam – điểm đến hấp dẫn, an toàn và tiềm năng.

Doanh nghiệp Nga đầu tư vào Việt Nam là viên gạch quý trong quan hệ Việt - Nga

Chủ tịch nước phát biểu tại diễn đàn.

“Việt Nam – Nga có quan hệ truyền thống rất tốt, tin tưởng lẫn nhau… thế nhưng kim ngạch hai chiều còn thấp, mới đạt trên 5 tỷ USD. Số các dự án đầu tư còn ít với 150 dự án, tổng mức đầu tư 150 tỷ USD”, Chủ tịch nước đánh giá. Ông cho rằng tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn.Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thông báo tới các doanh nghiệp, doanh nhân hai nước về cuộc hội đàm ngày hôm qua với Tổng thống Nga Putin kéo dài gần 4 tiếng để vạch ra phương hướng đưa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước phát triển, đi vào chiều sâu. Được tập trung thảo luận nhiều nhất là vấn đề về thương mại, đầu tư, phát triển giữa hai nước.

Ông đề nghị các doanh nghiệp cần trao đổi, các bộ ngành hai nước cần tạo điều kiện cho thương mại đầu tư trong thời gian tới, phối hợp giải quyết những vướng mắc để xứng đáng với quan hệ hai nước.

Chủ tịch nước cũng cho biết bên cạnh một số dự án tốt Nga đang triển khai thì vẫn có dự án vẫn còn vướng mắc, thực hiện chậm trễ. Chính vì thế, tại diễn đàn, Chủ tịch nước kêu gọi các doanh nghiệp Nga hợp tác chặt chẽ hơn nữa với doanh nghiệp Việt Nam.

Doanh nghiệp Nga đầu tư vào Việt Nam là viên gạch quý trong quan hệ Việt - Nga

Tuy Việt Nam gặp một số khó khăn do ảnh hưởng đại dịch nhưng kinh tế vẫn phát triển, tăng trưởng đạt trên 4,5%, kim ngạch hai chiều trên 600 tỷ USD, xuất siêu liên tục, là nền kinh tế lớn thứ 3 trong ASEAN. Chủ tịch nước cho biết điều đó nói lên kinh tế Việt Nam ổn định, lạm phát thấp. Việt Nam cũng được đánh giá là 1 trong 20 nền kinh tế thu hút đầu tư thành công.

“Tôi mong muốn các doanh nghiệp Nga sẽ nghiên cứu thị trường Việt Nam, ở chiều ngược lại doanh nghiệp Việt Nam cũng tìm hiểu thị trường Nga để hợp tác, trao đổi, làm ăn đạt kết quả tốt hơn”, Chủ tịch nước kỳ vọng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Nga cũng sẽ được hưởng rất nhiều cơ hội khác khi tới làm ăn ở Việt Nam vì Việt Nam đã tham gia 15 hiệp định thương mại, trong đó có nhiều hiệp định quy mô lớn, tiêu chuẩn cao như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU.

Việt Nam không chỉ đơn thuần thu hút vốn đầu tư FDI mà còn hợp tác trên tinh thần bình đẳng, cùng có lợi, cùng phát triển, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường… Cho nên, các dự án đầu tư vào Việt Nam đều được chọn lọc, ưu tiên các dự án khoa học công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số…

Doanh nghiệp Nga đầu tư vào Việt Nam là viên gạch quý trong quan hệ Việt - Nga

Chủ tịch nước chứng kiến lễ ký kết giữa Liên đoàn cờ thế giới (FIDE) với Liên đoàn cờ Việt Nam (VCF) và HDBank đồng hành cùng giải cờ vua quốc tế trong 1 thập kỷ tới.

“Làm ăn thì phải lâu dài, căn bản, bền vững cùng có lợi, chứ không phải là làm ăn chắp vá, chộp giật, nhất thời”, Chủ tịch nước truyền thông điệp đến doanh nghiệp hai nước. Ông cho rằng, sự tin cậy trong quan hệ chính trị, ngoại giao, kinh tế Việt-Nga sẽ mở ra những chương mới trong thời gian tới.

Gợi mở một số định hướng, Chủ tịch nước nhấn mạnh vai trò của Uỷ ban liên chính phủ hai nước trong phối hợp, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp hai bên. Việt Nam sẽ đề nghị với Nga để sửa đổi Hiệp định thương mại giữa Việt Nam với Liên minh kinh tế Á – Âu theo hướng tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại đầu tư. Cơ quan hữu quan hai nước cũng cần khuyến khích các dòng chảy thương mại, đầu tư, phát huy thế mạnh mỗi nước; tăng cường trao đổi các đoàn doanh nghiệp khảo sát, tìm kiếm thị trường…

“Ngay chiều mai, chúng tôi sẽ mở một đường bay mới của hãng Vietjet cùng với hãng hàng không quốc gia Việt Nam đi từ Moscow tới Cam Ranh, nối với Hà Nội, TP.HCM để tạo thuận lợi cho việc đi lại”, Chủ tịch nước thông tin.

“Các bạn hãy tin tưởng rằng ở Việt Nam chính trị, xã hội, kinh tế ổn định. Việt Nam sẽ tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng thuận lợi cho đầu tư phát triển”, Chủ tịch nước nói. Ông khẳng định, Việt Nam sẽ tạo chính sách ổn định, tính dự báo cao, thực thi minh bạch.

“Chúng tôi coi doanh nghiệp Nga đầu tư vào Việt Nam không chỉ là nhà đầu tư quốc tế mà còn là những người bạn thân tình. Mọi thành công của các bạn cũng là mong mỏi, niềm tự hào của chúng tôi. Các bạn chính là những viên gạch quý đóng góp vào tình hữu nghị truyền thống hai nước”, Chủ tịch nước bày tỏ.

Tán thành với trao đổi của Chủ tịch nước, Chủ tịch Liên đoàn công nghiệp và doanh nhân Nga Alexander Shokhin cho rằng hai nước không chỉ quan tâm tháo rào cản cũ mà phải luôn suy nghĩ để có cơ hội mới. Vấn đề này trong liên minh kinh tế Á – Âu do Nga chủ trì đã bàn tới.

Nguồn: vietnamnet

Lên đầu trang