Kinh tế tăng trưởng chậm nhất 35 năm qua, bình quân mỗi tháng phải chứng kiến gần 9.700 doanh nghiệp rời bỏ thị trường. Thế nhưng, trong bối cảnh đó vẫn có những ngành nghề rất “khỏe”.
Kinh tế “đi lùi”, nông nghiệp trở thành bệ đỡ
Nêu đánh giá tại báo cáo xếp hạng Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2021 vừa công bố, Vietnam Report cho biết, trải qua gần 2 năm kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức to lớn.
Nhìn chung, các chỉ số kinh tế vĩ mô đều cho thấy nền kinh tế đã bị tổn thương trên nhiều phương diện và cần nhiều nỗ lực để hướng đến một giai đoạn hồi phục và tiếp tục tăng trưởng.
Năm 2020, mặc dù thành công trong việc duy trì mức tăng trưởng dương nhưng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã giảm xuống mức 2,9%. Với những giải pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt để phòng chống dịch thì đến quý III, tăng trưởng kinh tế suy giảm kỷ lục với mức -6,17% so với cùng kỳ năm 2020.
Tính chung trong 9 tháng đầu năm nay, tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế chỉ đạt 1,42%. Đây là mức tăng trưởng chậm nhất kể từ khi Việt Nam tiến hành công cuộc Đổi mới (năm 1986) cho đến nay.
Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế 9 tháng chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước cho thấy hậu quả của đợt bùng phát đại dịch Covid-19 gần đây nhất tại Việt Nam. Đợt bùng phát trên diện rộng tại nhiều tỉnh, thành phố đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh.
Trong bức tranh ảm đạm của nền kinh tế 9 tháng qua thì khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn là “bệ đỡ” vững chắc cho an ninh lương thực quốc gia khi có mức tăng 2,74%, bên cạnh đó là khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,57% nhưng khu vực dịch vụ lại giảm 0,69%.
Số liệu nghiên cứu từ bảng xếp hạng VNR500 năm 2021 so với bảng xếp hạng VNR500 năm 2020 cũng cho thấy tổng doanh thu của nhóm ngành nông lâm thủy sản có mức tăng đáng kể 25,7%, trong khi khu vực công nghiệp – xây dựng và khu vực dịch vụ tương ứng giảm 14,8% và 5,9% so với năm ngoái.
Xét về các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của toàn bộ doanh nghiệp trong bảng xếp hạng VNR500 năm nay, tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA) bình quân và tỷ suất sinh lời trên doanh thu (ROS) bình quân của các doanh nghiệp bị giảm so với bảng xếp hạng VNR500 năm ngoái.
Cụ thể, ROA bình quân của các doanh nghiệp VNR500 năm nay đạt 5,31% – giảm 0,42 điểm phần trăm so với bảng xếp hạng VNR500 năm 2020. Chỉ số ROS bình quân cũng giảm xuống 6,15% so với mức 6,58% của năm ngoái. Ở chiều ngược lại, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân tăng nhẹ từ 16,24% trong bảng xếp hạng VNR500 năm 2020 lên 16,42% trong năm nay.
106.500 doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường
Từ thống kê của bảng xếp hạng VNR500 năm 2021 cho thấy hầu hết các ngành đều có sự sụt giảm về tổng doanh thu so với bảng xếp hạng năm ngoái. Các ngành bán lẻ, thép, tài chính và điện ghi nhận tổng doanh thu tăng trưởng dương trong bảng xếp hạng năm 2021 so với năm 2020.
Các nhóm ngành còn lại chứng kiến sự sụt giảm đáng kể về tổng doanh thu trong năm qua. Những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch là vận tải – logistics, khoáng sản – xăng dầu, cơ khí và thực phẩm – đồ uống.
Như vậy, đợt bùng phát đại dịch Covid-19 mới nhất đã đẩy cộng đồng doanh nghiệp vào những khó khăn, thách thức to lớn. Nhiều doanh nghiệp bị đóng cửa hoặc giảm công suất hoạt động và đối mặt với nguy cơ phá sản khi nguồn lực bị hao hụt. Chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị gián đoạn thậm chí “đứt gãy” do các đợt giãn cách xã hội liên tiếp.
Đặc biệt lưu ý là tình trạng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tính chung 11 tháng qua đang lan rộng với 106.500 doanh nghiệp, đồng nghĩa với bình quân mỗi tháng có gần 9.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Số liệu thống kê từ bảng xếp hạng VNR500 năm nay đối với 270 doanh nghiệp niêm yết đã công bố báo cáo tài chính quý III cho thấy có 40,4% doanh nghiệp vẫn giữ vững được đà tăng trưởng doanh thu trong suốt giai đoạn 2019 – 2020 và 9 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, 23,3% doanh nghiệp đã bắt đầu phục hồi và lấy lại được đà tăng trưởng doanh thu trong 9 tháng đầu năm nay.
Như vậy, có tới 63,7% doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 9 tháng đầu năm tăng lên so với cùng kỳ năm trước. Đây là dấu hiệu tích cực minh chứng cho những nỗ lực và khả năng thích ứng của các doanh nghiệp.
Ngoài ra, 15,2% doanh nghiệp trong số này bị tăng trưởng chậm lại và ghi nhận mức doanh thu 9 tháng giảm so với cùng kỳ năm 2020. Còn lại, 21,1% doanh nghiệp thuộc nhóm phục hồi chậm với doanh thu giảm 2 kỳ liên tiếp – doanh thu năm 2020 giảm so với năm 2019 và 9 tháng đầu năm 2021 giảm so với cùng kỳ năm trước.
Trong khảo sát của Vietnam Report đối với Top 500 doanh nghiệp lớn Việt Nam cũng cho thấy những đánh giá tổng quan của cộng đồng doanh nghiệp VNR500 đối với tác động tiêu cực của đại dịch.
Cụ thể, 48,7% số doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự, cùng với đó có tới 48% số doanh nghiệp bị giảm năng suất lao động và lượng khách hàng cũng bị giảm 47,4% so với khi dịch chưa bùng phát. Do vậy, doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp bị giảm xuống đáng kể theo đánh giá của 57,9% doanh nghiệp VNR500; đi cùng với đó là 67,1% doanh nghiệp cho biết mức chi phí của họ tăng lên trong thời gian này.
Mai Chi – Dân trí