Phập phồng “ngóng” mức thưởng Tết năm Covid-19

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người lao động ở Đà Nẵng càng hồi hộp hơn khi chờ đợi mức thưởng Tết, để có thêm khoản trang trải dịp cuối năm.

1. Phập phồng chờ thưởng

Càng tới gần cuối năm, công nhân và người lao động lại thấp thỏm “ngóng” thưởng Tết. Trong khi đó, dịch Covid-19 đã khiến nhiều công ty, doanh nghiệp, xí nghiệp sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn.

Tại Đà Nẵng, việc thành phố “đóng cửa” trong gần một tháng khiến công việc của nhiều người lao động bị ảnh hưởng. Đa phần người lao động đều trông ngóng một phần thưởng Tết để có khoản chi tiêu trong dịp cuối năm và đầu năm mới.

Có thâm niên làm việc hơn 4 năm tại một công ty ở khu công nghiệp Hòa Cầm (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng), chị Trần Thị Hiếu (sinh năm 1988, ở huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) vẫn thấp thỏm nghe ngóng thông tin về việc thưởng Tết.

Như mọi năm, chị Hiếu được thưởng tháng lương thứ 13. Cùng với đó, công đoàn công ty sẽ tặng thêm một phần quà Tết gồm: Chai nước mắm, dầu ăn, bánh kẹo…

Tuy nhiên, năm nay, Đà Nẵng phải “đóng cửa” vì dịch Covid-19 nên công ty chỉ tổ chức hoạt động “3 tại chỗ” với 30% nhân lực. Thêm một tuần sau đó không có giấy đi đường, chị Hiếu nghỉ làm tròn một tháng.

“Tôi có 2 con nhỏ, chồng đi làm xa nên không biết xoay sở như thế nào để “3 tại chỗ”. Mọi năm, những ai đi làm “chuyên cần” mới được thưởng lương tháng 13. Năm nay, tình hình dịch bệnh như thế này, tôi cũng không biết công ty sẽ thưởng như thế nào”, chị Hiếu chia sẻ.

Phập phồng ngóng mức thưởng Tết năm Covid-19 - 1

Đang làm việc tại Khu công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng), chị Coor Din (23 tuổi, quê ở tỉnh Quảng Nam) cũng chưa nghe ngóng được gì về thưởng Tết.

Năm ngoái, chị Din được thưởng một tháng lương cơ bản và một phần quà gồm: Bia, nước ngọt, bánh kẹo… Khoản thưởng Tết cũng vừa đủ để cô gái trẻ biếu bố mẹ.

Nhưng năm nay, càng đến cuối năm, Din càng hồi hộp. “Giờ em cũng thấp thỏm, nếu không có thưởng Tết thì càng khó khăn hơn vì mọi khoản đều phải chi, nhất là giá cả dịp Tết cao hơn ngày thường”, Din kể.

2. “Làm một năm trông cả vào thưởng Tết”

Những ngày nay, chị Din cùng các đồng nghiệp thường dò hỏi, nghe ngóng thông tin về khoản thưởng. “Lương cơ bản một tháng của em chỉ hơn 4 triệu đồng nên mọi việc đều phải chắt bóp, tằn tiện. Làm một năm trời trông cả vào thưởng Tết để dư ra một khoản sắm sửa cái này, cái kia”, chị Din cho hay.

Chưa có gia đình, cũng không quá chật vật vì các khoản chi, nhưng Phạm Bình Thu Sương (sinh năm 1999, quê ở thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) cũng háo hức đợi thông tin thưởng Tết.

Sương mới làm được 9 tháng tại một công ty ở Khu Công nghiệp Hòa Khánh với thu nhập cơ bản hơn 4 triệu đồng/tháng, còn nếu tăng ca là từ 6-7 triệu đồng/tháng. Thu nhập trên đủ cho Sương trang trải cuộc sống, cũng như dành dụm. Nhưng thời gian dài dịch bệnh, khoản tiền tiết kiệm cũng vơi dần.

Phập phồng ngóng mức thưởng Tết năm Covid-19 - 2

“Năm ngoái em chưa vào làm nên cũng không biết thưởng Tết như thế nào. Em cũng hỏi thăm các anh chị thâm niên thì biết công ty thưởng được một tháng lương cơ bản”, Sương nói.

Dù việc sản xuất của công ty bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19 nhưng Sương vẫn hy vọng công ty sẽ thưởng “kha khá” để có tiền mua quà về quê và lì xì cho các em.

“Đi làm hơn một năm xa quê mà Tết không có gì mang về thì cũng buồn. Em cũng muốn có một khoản để tặng ba mẹ sắm sửa ít đồ Tết, cho các cháu trong nhà. Hy vọng năm nay thưởng Tết cũng ổn, để em dễ xoay xở hơn”, Sương bày tỏ.

Cũng như Sương, mỗi năm, số tiền thưởng Tết của công ty là khoản tài chính quan trọng cho chị Hiếu để lo Tết, từ sắm sửa quần áo cho con, mua hoa quả, bánh kẹo đến lo quà cho bên nội, bên ngoại…

Khoản thu nhập hàng tháng ít ỏi đã khiến chị Hiếu “đau đầu” cân đối để lo sinh hoạt phí trong gia đình và lo việc học cho 2 con nhỏ.

“Nhận được khoản thưởng, xoay sở cũng xong cái Tết. Nếu không có thì chật vật hơn. Tết năm nay chắc tôi cũng phải chắt bóp, tính toán hơn nhiều so với trước, bởi nếu có thưởng cũng không hy vọng được nhiều như trước”, chị Hiếu nói.

Nguồn: dantri.com.vn

Lên đầu trang