Hội thảo “Nhận diện cơ hội và thách thức đối với sự phát triển ngành logistics TP HCM” do Hiệp hội Logistics TP HCM (HLA) tổ chức chiều 30-11 tại TP HCM đã phác họa bức tranh tổng thể về lĩnh vực này cho các doanh nghiệp (DN).

Cần đầu tư, phát triển đúng hướng

Bà Đặng Thị Minh Phương, Chủ tịch HLA, cho biết tình hình dịch bệnh trong nước, nhất là ở TP HCM, đang có những dấu hiệu tích cực nhưng vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới do biến chủng mới nên tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị vẫn chưa thể khắc phục trong thời gian tới, có thể tiếp tục gây ảnh hưởng lớn tới các DN tại Việt Nam.

Cũng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang tìm cách giảm thiểu phụ thuộc vào một thị trường và có xu hướng lựa chọn địa điểm đầu tư mới thỏa mãn những điều kiện về môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng và dịch vụ y tế an toàn. Để thu hút và giữ chân DN FDI, logistics được xem là một trong những yếu tố quan trọng cần được đầu tư và phát triển đúng mức.

“TP HCM là đầu tàu kinh tế của phía Nam và cả nước, đóng góp trên 22% GDP và 27% tổng thu ngân sách quốc gia. Với tình hình hiện nay, các DN logistics cần xác định rõ những cơ hội và thách thức trong năm 2021 và những năm tiếp theo với những kịch bản khác nhau để cùng phát triển logistics trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố” – bà Phương tâm huyết.

Ở góc độ nhà bán lẻ, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), cũng nhìn nhận ngành logistics có ý nghĩa quan trọng đối với các DN bán lẻ. Tỉ trọng chi phí logistics đang chiếm đến 5% trên tổng doanh thu của DN bán lẻ hiện đại. Con số này là cực kỳ lớn so với mức lãi gộp chỉ hơn 10% của DN.

“Trong khi tại các nước phát triển, hệ thống logistics đã đi đến cấp độ 5 thì tại Việt Nam chỉ mấp mé ở cấp độ khởi điểm là 1, 2. Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của chuyển đổi số logistics. Cần phải có sự thay đổi nhanh chóng và phải quản trị sự thay đổi đó. Kiến nghị quy hoạch và định hướng chuyên môn hóa theo hướng chuyên sâu hơn, phải hình thành các vùng logistics của thành phố, từng vùng tập trung cho loại hàng hóa gì để các DN logistics và DN bán lẻ… tập trung để hợp lực tạo sức mạnh” – ông Đức kiến nghị.

Ngoài ra, theo ông, cần sự kết nối khu vực giữa TP HCM và các tỉnh, thành; quy hoạch logistics phải tương đồng với quy hoạch thương mại và công nghiệp; thúc đẩy đồng bộ các công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin để làm đòn bẩy công nghệ cho logistics. Cũng cần có sự đồng bộ về hạ tầng liên quan, coi logistics là một phần phát triển trong tổng thể chuỗi cung ứng.

Thúc đẩy hệ sinh thái logistics

Thống kê của Cục Hải quan TP HCM cho thấy bất chấp đại dịch, 11 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu qua hải quan thành phố vẫn đạt 116 tỉ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2020. Trước xu hướng đó, ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan thành phố, cho rằng DN logistics phải có bước trở mình để nắm bắt cơ hội phát triển, hình thành cụm tam giác logistics, cảng biển, cảng hàng không.

“Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển ngành logistics, từ các hiệp định thương mại đã ký, chính sách cho ngành logistics đến xu hướng các nước Bắc Mỹ, châu Âu đang hướng về Việt Nam là điểm đến hấp dẫn về địa chính trị và chất lượng lao động. Nếu chúng ta trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của thế giới thì không chỉ cảng biển mà cả logistics cũng sẽ rất phát triển” – ông Thắng nêu dự báo.

Theo Cục trưởng Cục Hải quan thành phố, hiện 80% DN logistics tại TP HCM chỉ có vốn từ 10 tỉ đồng trở lên và chỉ làm những việc đơn giản như gia cố, đóng gói, vận chuyển cho DN và đang thiếu nguồn nhân lực, vốn, công cụ, công nghệ. Vì vậy, đề nghị các DN logistics cần tập trung nguồn lực, tạo thúc đẩy chuỗi cung ứng toàn cầu, hệ sinh thái logistics. Cùng với đó là thúc đẩy công nghệ, mô hình kinh doanh mới, làm sao áp dụng công nghệ 4.0 vào số hóa dịch vụ này.

Bà Đặng Thị Minh Phương đề xuất bên cạnh sự chung tay từ các DN, để ngành logistics phát triển, Chính phủ, các lãnh đạo thành phố cần xem xét đưa ngành logistics trở thành một trong những nhóm ngành ưu tiên cho gói kích cầu phát triển kinh tế thành phố. “Nhóm ngành logistics chiếm 8,9% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố nhưng là ngành có vai trò hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất – kinh doanh, xuất nhập khẩu, thu hút các DN FDI đầu tư.

Do vậy, việc hỗ trợ gói kích cầu cho ngành không chỉ có ý nghĩa giúp các DN logistics phát triển mà còn hỗ trợ các ngành nghề khác giảm chi phí, vượt qua khó khăn do dịch bệnh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút nguồn vốn FDI và đem lại nguồn thu cho thành phố” – đại diện HLA diễn giải.

Thông tin tại hội thảo, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, dự báo trong giai đoạn tới, nhu cầu của ngành logistics đối với kinh tế thành phố là rất lớn. Do đó, UBND TP HCM đã phê duyệt Đề án phát triển ngành logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn với tỉ lệ đóng góp vào GRDP của thành phố đến năm 2025 đạt 10% và đến năm 2030 là 12%.

Để thực hiện mục tiêu trên, đề án đã nêu 6 giải pháp lớn. Trong đó, giải pháp thứ 6 là hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển ngành. Hiệp hội Logistics TP HCM vừa được thành lập nhằm tập hợp các DN trong ngành đang hoạt động tại TP HCM, tạo thành sức mạnh, liên kết bền vững.

Phương An – Người lao động